Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Visual Merchandiser cần có những kỹ năng cơ bản nào?

Bạn chuyên nghiệp hay nghiệp dư? Có được đào tạo bài bản hay không? Đều không quan trọng. Bởi lẽ, không chỉ riêng VM mà bất kì một nghề nghiệp nào khác, thành công sẽ đến khi bạn thật sự cố gắng, thêm một chút năng khiếu, thêm chút may mắn và thêm những kỹ năng cần thiết.
Khác với năng khiếu, kỹ năng là những gì bạn tích lũy được, những kinh nghiệm bạn có được khi làm nghề. Và nó là một yếu tố quan trọng. Để có được kỹ năng tốt bạn phải học hỏi, quan sát và rẻn luyện thật nhiều. Để trở thành một Visual Merchandiser thành công, trước hết bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng sau:

Trang trí: Trang trí là một nghệ thuật bằng cách thêm các vật liệu, chất liệu, hay các họa tiết khác vào bức tranh của Merchandiser. Trang trí tốt sẽ hấp dẫn đôi mắt của các thượng đế khi ngang qua các cửa hàng, đem lại một cái nhìn tươi mới. Một Merchandiser hiệu quả sẽ biết làm đẹp cả những nơi không được mong muốn trông thấy bởi các khách hàng. Đó là mưu đồ để kéo chân khách hàng tới cửa hàng thêm một lần nữa một cách vô thức.
Kỹ năng này thật ra chúng ta đã được rèn luyện từ những bài học thủ công khi còn nhỏ cho đến nay. Đó không phải là một việc quá khó đối với những ai yêu thích VM. Làm tốt việc trang trí này hay không phụ thuộc vào khả năng thẩm mỹ, sáng tạo và khéo léo của mỗi người.
Trang trí là kỹ năng đầu tiên cần phải có khi bắt đầu theo đuổi VM

Thiết kế: Hãy hiểu "thiết kế" theo một cách chung chung, bởi mối quan tâm của bạn nằm ở hình ảnh. Việc của bạn là thiết lập các điểm mua hàng bằng các sản phẩm hấp dẫn, dễ thấy và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng. Vì vậy, bạn cần nắm rõ những nguyên tắc thiết kế, vận dụng chúng một cách linh hoạt để đạt được hiệu quả cao nhất. Tôi không ám chỉ bạn cần tham gia học thiết kế thời trang hay phải có những kĩ năng cao xa gì, nhưng những nguyên tắc đơn giản như một sản phẩm có bao nhiêu kích cỡ, bao nhiêu màu sắc thì bạn cần nắm rõ hơn bất cứ nhân viên nào trong shop. Đó chính là bước khởi đầu cho mục đích cuối cùng trong công việc của bạn: Bán được hàng. Đôi lúc, bạn cũng cần nắm rõ các vật liệu được sử dụng cho công việc trưng bày của bạn, bạn cũng có thể đưa ra những yêu cầu trong việc lựa chọn nội thất thích hợp, kếp hợp chúng cùng các manoquin đáng yêu. Một chút tố chất về thiết kế thời trang cho nghề này cũng không hẳn là thừa. Ngoài các vật liệu trưng bầy thì "biển báo": Tôi gọi chung tất cả những thứ như poster, bảng giá... là biển báo nhé. Việc bán hàng sẽ chẳng thể thiếu những biển báo được thiết kế đồ họa sẵn, được in ra và được trưng cùng các sản phẩm trong shop. Đó là cách tiếp cận thông tin nhanh chóng dành cho các thượng đế của chúng ta.
Nếu trang trí là kỹ năng đầu tiên thì thiết kế là kỹ năng quan trọng nhất bạn cần nắm vững.

Nhiếp ảnh: Tố chất của một nhà nhiếp ảnh sẽ giúp bạn nhìn thấy hình ảnh tạm coi là hoàn mỹ cuối cùng. Những đóng góp về mặt hình ảnh của bạn cũng có thể được công ty sử dụng trong các hoạt động về truyền thông. Hay chỉ đơn giản là bạn có những tấm ảnh đẹp, kỉ niệm về công việc của bạn, chia sẻ với bạn bè trên facebook. Ngoài ra, khi hiểu biết về nhiếp ảnh, bạn sẽ có cái nhìn nhạy cảm hơn để biết được thiết kế như thế nào để tạo ra khung nhìn tốt nhất.

Đồ họa. Ngoài kỹ năng trang trí với những đồ vật thủ công, bạn cần có kỹ năng sử dụng một số phần mềm đồ họa để hỗ trợ cho công việc. Như photoshop, AI, corel,... nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc thiết kế sau này. Và kỹ năng vi tính văn phòng cũng là điều cơ bản cần phải có.

Làm toán: Toán học có vẻ là kĩ năng không thể thiếu nếu công việc của bạn có liên quan tới tài chính (đảm bảo doanh số của cửa hàng theo cách tốt nhất trong phạm vi công việc của mình). Nếu bạn muốn biết " best selling items" ở mức độ nào thì việc nhân chia cộng trừ xem ra cũng cần thật chính xác. Một người giỏi toán luôn có cái đầu nhanh nhạy trong mọi trường hợp và sẽ đưa ra những quyết định logic. Có thể nói vui rằng danh họa giỏi toán sẽ có thể trở thành một Visual Merchandiser tài năng. Còn chúng ta, có lẽ chỉ cần mỗi thứ một ít thôi các bạn nhỉ! :)

Hãy nuôi dưỡng niềm đam mê, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đừng nãn lòng, tôi chắc rằng sẽ có nhiều điều bất ngờ thú vị đến với bạn khi bạn thật sự cố gắng!

                                                                                                                                               Chal Zoe